Theìnlạithếgiớinătham khao mbo tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR-Mỹ), 2023 là một năm thế giới đầy thử thách với các cuộc xung đột, tình hình khí hậu, thiên tai. Về mặt tích cực, cuộc chinh phục không gian của con người ngày càng tăng tốc, trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển và đem lại nhiều hứa hẹn.
Dưới đây là một số sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm qua:
Thỏa thuận lịch sử về khí hậu
Hôm 13.12, đại diện gần 200 quốc gia đồng ý bắt đầu giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu nhằm ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, thỏa thuận đạt được tại hội nghị về khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc diễn ra ở Dubai (UAE) kêu gọi chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, thỏa thuận kêu gọi tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, nỗ lực giảm sử dụng than, tăng tốc các công nghệ nhốt carbon trong những ngành công nghiệp khó giảm phát thải carbon.
Thỏa thuận đạt được sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ rằng thế giới đoàn kết trong mong muốn giảm nhiên liệu hóa thạch nhằm tránh thảm họa khí hậu.
"Thời hoàng kim" của ngành dược
Cuộc cách mạng y tế đang phát triển là một trong những chủ đề chính của năm 2023. "Chúng ta đang chứng kiến một tốc độ tiến bộ chưa từng thấy trong 100 năm qua", theo ông Bertalan Mesko, Giám đốc Viện Tương lai Y tế ở Budapest (Hungary).
Ông Mesko nằm trong số nhiều chuyên gia ca ngợi "thời hoàng kim" mới của ngành dược, một phần nhờ Covid-19. Theo ông, những đột phá trong công nghệ ARN thông tin (mARN) lần đầu tiên được áp dụng trong vắc xin Covid-19 có thể sớm giúp loại bỏ một số bệnh ung thư.
"Sau đó là tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo (AI) và in 3D, và thú vị nhất là những tiến bộ về gen sẽ mở khóa cơ sở di truyền của nhiều bệnh, dẫn đến các phương pháp điều trị mới và nhắm cụ thể vào mục tiêu hơn", trang Positive.Newsdẫn lời ông cho biết.
Cây bút Chris Stokel-Walker chuyên viết về các ứng dụng y tế của AI cho tạp chí The BMJdự đoán AI sẽ tăng tốc độ khám phá các loại thuốc mới và phân tích cũng như xác định các khối u trong quá trình quét hiệu quả hơn con người. "Đó là một thời gian tuyệt vời. Tôi cảm thấy may mắn khi đã sống qua thời gian đó", ông chia sẻ.
Nhân vật của năm gọi tên Taylor Swift
Tạp chí TIME đã chọn nữ nghệ sĩ Taylor Swift là nhân vật của năm 2023. Từ năm 1927, tạp chí TIME bắt đầu bình chọn danh hiệu này và phần lớn những người được xướng tên là các chính trị gia hoặc ông trùm. Taylor Swift chính là nghệ sĩ đầu tiên được gọi tên trong hạng mục bình chọn này của TIME.
Tạp chí mô tả 2023 là năm thế giới có nhiều điểm tối với xung đột và chia rẽ, nhưng Taylor Swift như một nguồn sáng vượt qua mọi biên giới với sức ảnh hưởng và thành công của mình. Nữ nghệ sĩ có chuyến lưu diễn Eras Tour được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness xác nhận là có doanh thu cao nhất mọi thời đại (hơn 1 tỉ USD). Cô cũng được TIME đánh giá là một biểu tượng của quyền lực mềm.
Nhiệt độ toàn cầu vượt kỷ lục
Cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu mới đây cho biết năm 2023 này "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua. Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai. Đó là thực tế mới của thế giới.
Tính từ đầu năm, nhiệt độ trung bình toàn cầu cũng đạt kỷ lục, cao hơn 1,43 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp (1850 - 1900). Theo Đài ABC News, giới khoa học cho rằng mức nhiệt kỷ lục là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sự kiện thời tiết cực đoan tàn phá thế giới trong thời gian qua và có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Kết quả là xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu, từ cháy rừng lịch sử đến hạn hán khắc nghiệt cho đến lũ lụt kỷ lục. Cụm từ "nhiệt độ bầu ướt" ít người biết đến đã đi vào từ điển khi mọi người trên toàn thế giới biết rằng nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm cao có thể gây tử vong.
Xung đột Hamas - Israel bùng nổ
Khu vực Trung Đông đầy hứa hẹn vào cuối tháng 9.2023. Hiệp ước Abraham hứa hẹn củng cố mối quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập. Có rất nhiều suy đoán cho rằng Ả Rập Xê Út có thể sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Tình hình Yemen cũng hứa hẹn với khả năng ngừng bắn giữa lực lượng Houthi với liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu.
Tuy nhiên, đến ngày 7.10, Hamas bất ngờ tấn công Israel khiến gần 1.200 người chết và 240 người bị bắt cóc.
Tuyên bố loại trừ Hamas, Israel tiến hành không kích Dải Gaza và sau đó đưa quân trên bộ sang hôm 20.10. Đến nay đã có hơn 20.000 người thiệt mạng tại Gaza, trong khi Israel vẫn kiên quyết đạt mục tiêu xóa sổ Hamas, đưa các con tin trở về và khiến Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel. Ước tính 1,9 triệu người, tương đương 85% dân số Gaza, đã rời bỏ nhà cửa do chiến sự.
Năm thứ hai chiến sự Nga - Ukraine
Cuộc phản công mà Ukraine chờ đợi từ lâu diễn ra vào đầu tháng 6 để hy vọng đẩy lùi Nga khỏi các khu vực ở miền đông Ukraine.
Mặc dù cuộc phản công được cho là đã gây tổn thất nặng nề cho phía Nga, nhưng chiến tuyến hầu như không thay đổi lớn. Quân đội Nga đã tận dụng mùa đông và mùa xuân trước đó để chuẩn bị những lực lượng phòng thủ đáng gờm.
Đầu tháng 11, giới tướng lĩnh Ukraine mô tả giao tranh là "bế tắc" và thừa nhận "rất có thể sẽ không có đột phá sâu sắc". Trong khi đó, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine gặp một số trở ngại khi bị một bộ phận nghị sĩ Cộng hòa phản đối.
Trước tình hình này, Ukraine tiếp tục vận động Mỹ, châu Âu, trong khi tìm hướng sản xuất vũ khí trong nước để đáp ứng nhu cầu.
Động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Hơn 67.000 người thiệt mạng do một loạt trận động đất kinh hoàng tấn công nhiều vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria vào sáng sớm ngày 6.2. Hàng ngàn tòa nhà đổ sập, khiến hàng chục nghìn cư dân mắc kẹt.
Phần lớn thiệt hại xảy ra do các trận động đất mạnh 7,8 và 7,7 độ Richter xảy ra ở vùng Antakya trong vòng vài giờ. Đây được cho là trận động đất lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.
Ước tính có khoảng 59.000 người ở miền nam và miền trung Thổ Nhĩ Kỳ cùng hơn 8.000 người ở Syria thiệt mạng. Tại Syria, các thành phố lịch sử Sanliurfa và Aleppo là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trí tuệ nhân tạo (AI) với tiềm năng và hệ lụy
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã bùng nổ trong nhận thức của công chúng vào năm 2022 với việc ra mắt ứng dụng ChatGPT. Vào năm 2023, công nghệ dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn trở nên tốt hơn. Chính phủ nhiều nước, công ty và cá nhân đã nhanh chóng khai thác tiềm năng này. Phiên bản mới nhất của ChatGPT được cho là còn tiên tiến hơn gấp 10 lần so với phiên bản tiền nhiệm.
Điều đó đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu AI đang mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người hay sẽ tạo ra một tương lai đầy ác mộng.
Những người lạc quan chỉ ra cách AI đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, cho phép thiết kế thuốc nhanh chóng, giải mã những bí ẩn y học và giải quyết các vấn đề toán học dường như không thể giải quyết được.
Những người bi quan cảnh báo rằng công nghệ này đang phát triển nhanh hơn khả năng đánh giá và giảm thiểu tác hại, với nguy cơ gây tình trạng thất nghiệp hàng loạt, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội hay thậm chí dẫn đến sự tuyệt chủng của nhân loại.
Ấn Độ vượt Trung Quốc về dân số
Số liệu của Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 4 cho thấy Ấn Độ đã soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới của Trung Quốc. Dân số Ấn Độ là hơn 1,428 tỉ người, cao hơn so với con số 1,425 tỉ của Trung Quốc, theo số liệu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA).
Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á hiện chiếm gần 1/5 dân số thế giới, đông hơn toàn bộ dân số châu Âu, châu Phi hoặc châu Mỹ. Dự báo dân số Ấn Độ sẽ là 1,668 tỉ vào năm 2050, khi dân số Trung Quốc chỉ còn 1,317 tỉ.
Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm lần đầu trong 6 thập niên, một sự thay đổi lịch sử dự kiến khởi đầu giai đoạn sụt giảm lâu dài với nguy cơ ảnh hưởng nền kinh tế trong nước và thế giới.
Cuộc đua vào không gian tấp nập
Chính phủ và các công ty đang đặt cược lớn vào không gian. Đến 77 quốc gia có các cơ quan không gian, trong đó 16 nước có thể đưa hàng hóa vào không gian.
Nỗ lực lên mặt trăng của Nga đã kết thúc trong thất vọng vào tháng 8 khi tàu đổ bộ của nước này đâm vào bề mặt mặt trăng. Sau đó, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh phương tiện không người lái lên mặt trăng và tiếp tục phóng lên không gian sứ mệnh nghiên cứu mặt trời.
Trung Quốc và Mỹ cũng có các chương trình mặt trăng đầy tham vọng, trong đó Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2025.
Sự quan tâm ngày càng tăng đối với không gian cũng cho thấy việc thiếu các quy tắc quản lý các hoạt động liên quan. Mỹ đã thúc đẩy Hiệp định Artemis để "quản lý việc thăm dò dân sự và sử dụng không gian bên ngoài", nhưng Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã từ chối tham gia.
Việc xây dựng các quy tắc về không gian rất phức tạp bởi thực tế là các công ty tư nhân như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đóng vai trò lớn trong các hoạt động không gian. Điều đó đặt ra câu hỏi về động cơ lợi nhuận và nghĩa vụ quốc gia.
Sự gia tăng hoạt động không gian cũng đặt ra câu hỏi liệu rác không gian có làm phức tạp thêm việc khám phá vũ trụ hay không.
Lạm phát giá thực phẩm
Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra hôm 18.12, lạm phát giá thực phẩm vẫn ở mức cao trên thế giới.
Lạm phát hơn 5% xảy ra ở 61,9% các quốc gia có thu nhập thấp, 76,1% ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, 50% ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao và 57,4% các nước có thu nhập cao.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc các khu vực châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh, Nam Á, châu Âu và Trung Á. Trên thực tế, lạm phát giá thực phẩm đã vượt quá lạm phát chung ở 74% trong số 167 quốc gia có dữ liệu.